TPHCM là một TP năng động, phát triển hàng đầu cả nước với dân số hơn 10 triệu dân, số người dùng phương tiện cá nhân chiếm hơn 70%. Trong chiến lược phát triển hệ thống giao thông công cộng của TPHCM, TP đề ra lộ trình tỷ lệ dân số sẽ sử dụng hệ thống giao thông công cộng thay thế phương tiện cá nhân là 50% vào năm 2020 và đến năm 2025 sẽ là trên 85%.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT TPHCM, vài năm gần đây sản lượng hành khách vận chuyển của hệ thống xe buýt TPHCM liên tục sụt giảm. Nguyên nhân chính là do tắc đường, xe buýt không đảm bảo lộ trình, xe chạy không đúng giờ quy định khiến cho người dân bỏ xe buýt chuyển sang sử dụng các loại hình giao thông khác, trong đó có phương tiện cá nhân làm cho tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng hơn. Xe buýt ngày càng chậm trễ và hệ quả là người dân quay lưng với xe buýt.
Để giải quyết được những vấn đề còn tồn tại của hệ thống xe buýt TP một cách tận gốc, lâu dài thì ngoài việc phải ngay lập tức gỡ nút thắt cho xe buýt bằng cách khai thông đường cho xe buýt hoạt động, mở một số tuyến đường ưu tiên cho xe buýt. Thành phố cũng cần triển khai song song các hành động khác mà quan trọng nhất là cần phải xây dựng được hình ảnh một hệ thống giao thông đô thị bằng xe buýt thật sự tiện ích, thân thiện trong mắt người dân. Nên thay thế mới các phương tiện đã xuống cấp, đặc biệt là đầu tư xe buýt sử dụng nhiên liệu chạy khí gas thiên nhiên CNG vào phục vụ vận tải hành khách công cộng, góp phần bảo vệ và giúp môi trường phát triển bền vững.
Hiện nay, tại TPHCM đã phê duyệt đề án đổi mới 1.680 xe buýt, trong đó có 300 xe buýt sử dụng khí CNG thân thiện với môi trường. Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) là đơn vị được UBND TPHCM giao nhiệm vụ sản xuất 300 xe này. Để thực hiện thành công đề án này, Samco đã đầu tư toàn bộ dây chuyền sản xuất, lắp ráp theo công nghệ tiên tiến nhất của hãng Hyundai, Hàn Quốc. Theo Samco, từ năm 2012, đơn vị đã đã nghiên cứu chế tạo thành công loại xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG thân thiện môi trường với sức chở tối đa lên đến 75 người. Đây là sản phẩm xe buýt hoàn toàn mới, chạy bằng khí CNG, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đối với phương tiện giao thông công cộng ở các đô thị lớn trên thế giới.
Xe buýt CNG được trang bị động cơ Hyundai C6AC với 6 xy-lanh thẳng hàng, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV. Xe được thiết kế với 2 cửa lên xuống đóng mở tự động bằng hơi, có bộ phận cảnh báo chống kẹt an toàn cho hành khách, bên trong xe bố trí chỗ ngồi – đứng hợp lý, rộng rãi (35 – 38 chỗ ngồi) tạo cảm giác thoải mái khi di chuyển. Là chủ sở hữu chiếc xe buýt sử dụng khí CNG đầu tiên do Samco sản xuất, Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM – một trong những đơn vị kinh doanh xe buýt lớn của thành phố chưa phải phàn nàn bất cứ điều gì về chiếc xe này. Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM, cho biết, xe chạy tốt, êm, tiết kiệm nhiên liệu. Sau hơn 2 năm hoạt động liên tục với công suất được khai thác gần như tối đa, chiếc xe chưa một lần gặp sự cố. Xe buýt chạy khí CNG có nhiều ưu điểm hơn so với xe chạy dầu diezen như động cơ vận hành êm, không có bụi và khói đen, giảm đáng kể các khí thải độc hại… Ngoài ra, chi phí nhiên liệu cũng giảm hơn 30%.
Các cơ quan chức năng tại TPHCM cũng như các doanh nghiệp như Samco cũng đang kết hợp với Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas) xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển mạng lưới cung cấp khí CNG tại TPHCM.
Theo Tổng cục Môi trường, hiện khí thải từ các phương tiện giao thông ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội đã đến báo động, vượt mức cho phép, có nơi mức độ ô nhiễm không khí đã cao hơn gấp 5 – 6 lần so với tiêu chuẩn. Do vậy, phát triển giao thông xanh tại TPHCM để bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu càng cần hơn bao giờ hết.